So what do you think you’ll do? How are you gonna spend your life?
I’m not sure. But I do know… I’m going to live every minute of it.
{Soul – Cuộc sống nhiệm màu}
Bạn đã xem phim Soul chưa? Bộ phim hoạt hình mới nhất của Pixar, ra mắt khán giả vào cuối năm 2020 đầy biến động, và khiến nhiều người trong chúng ta thổn thức: Rốt cuộc chúng ta tìm kiếm điều gì trong cuộc đời, và liệu có phải chờ đợi đến lúc thành công mới được hạnh phúc?!
Phim Soul – Những con cá tìm đường bơi tới đại dương
Joe Gardner – nhân vật chính trong phim – là thầy giáo dạy nhạc ở một trường tiểu học ở New York. Luôn ấp ủ ước mơ trở thành một nhạc công piano chuyên nghiệp nhưng sau vô số lần thất bại, vì áp lực cơm áo gạo tiền, Joe buộc phải đi theo con đường khác. Một ngày, khi đột nhiên nhận được lời mời biểu diễn từ nghệ sĩ nổi tiếng Dorothea, Joe vui mừng quá đi trên phố, không để ý đường xá xe cộ nên bị rơi xuống hố chết. Không thể chấp nhận việc mình lìa cõi đời mà không thực hiện được mơ ước, Joe đã tìm mọi cách để đưa linh hồn của mình trở lại trái đất, thực hiện buổi biểu diễn mà anh chờ đợi trong suốt cuộc đời mình.
Khán giả hẳn không thể nào quên gương mặt thẫn thờ của Joe Gardner khi rời khỏi phòng biểu diễn, nơi Joe cuối cùng được chơi nhạc cùng thần tượng của mình. Khao khát, phấn đấu, dằn vặt trong hơn nửa đời người chỉ để chờ mong giây phút toả sáng, nhưng khi chạm tới ước mơ, Joe ngạc nhiên rằng giây phút này không thoả mãn và hạnh phúc như mình tưởng tượng. Khi đi ngang qua Joe và chứng kiến thái độ của anh, Dorothea bình thản kể câu chuyện về một con cá nhỏ.
Một con cá nhỏ, nó bơi đến một con cá già hơn và nói rằng: “Tôi đang cố tìm đường đến đại dương”. “Đại dương à?”, con cá già nói, “ở đây chính là đại dương”. “Ở đây ư?”, con cá nhỏ hỏi, “đây chỉ là nước, điều tôi muốn là đại dương cơ!”
Joe Gardner cũng giống như rất nhiều người trong chúng ta, luôn lao về phía trước, về tương lai về những mục tiêu ảo ảnh nào đó, mà quên mất rằng chính cuộc sống bây giờ đã là nhiệm màu. Như chú cá kia, chỉ cố tìm đường đến đại dương mà không hề biết rằng nơi chú sống đã là đại dương rồi, những điều tuyệt vời đã ở ngay đây, ngay xung quanh chú cá nhỏ.
Khi Joe Gardner trở về nhà, ngồi chơi đàn, nước mắt anh tuôn rơi. Sau bao nhiêu vật vã, quyết liệt, khổ sở để quay trở lại trái đất, thực hiện đêm nhạc để đời, Joe Gardner nhận ra rằng hoá ra bấy lâu mình đã sống trong những nhỏ bé đẹp đẽ của cuộc đời mà không nhận ra. Đó là giây phút đạp xe trên đường phố New York, khoảnh khắc ngắm nhìn bầu trời trong xanh, vẻ đẹp của những hạt phong rơi xuống trên bàn tay mình, hay lần đầu tiên nếm thử một món ăn ngon… Đây có lẽ là một trong những cảnh phim quay chậm lắng đọng và xúc động nhất của Soul, khi khán giả cũng rưng rưng cùng Joe, trước vẻ đẹp của mỗi ngày trong cuộc sống mà chúng ta may mắn được tận hưởng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Cái bây giờ là cái đẹp nhất!
“I’m going to live every minute of it” – “Tôi sẽ tận hưởng mọi giây phút của đời mình.” Điều mà Joe Gardner – thầy giáo dạy nhạc ở New York nhận ra sau khi chạm tới giấc mơ của mình – vẻ đẹp của giây phút hiện tại – thực ra không hề là bài học mới mẻ. Thiền sư nổi tiếng người Việt Thích Nhất Hạnh đã đề cập tới xứ sở diệu kỳ của giây phút hiện tại trong hàng chục cuốn sách của mình.
Nếu gặp Joe Garder, hẳn đây là điều mà thiền sư sẽ nói với anh: “Cái cơ hội mà anh trông chờ ấy, nó có mặt ngay trong giây phút hiện tại… Ngày mà anh chờ đợi chính là ngày hôm nay, giây phút mà anh chờ đợi chính là giây phút này. Phải chọc thủng được bức màn thời gian và không gian để đi vào được cái bây giờ và ở đây. Anh không cần phải trở thành nhạc công nổi tiếng thì mới có hạnh phúc. Anh phải có hạnh phúc ngay trong khi anh còn là thầy giáo dạy nhạc. Nếu anh không có hạnh phúc ngay khi là giáo viên dạy nhạc thì sau khi nổi tiếng anh cũng sẽ không có hạnh phúc… Trong cái bây giờ anh sẽ tìm thấy cái mà anh đi tìm.” (**) “Cái bây giờ có thể là cái đẹp nhất. Đẹp cho đến nỗi bạn có thể không tin đó là sự thật. Nhưng sự thật đang là như thế: cái bây giờ có thể đẹp hơn bất cứ một giấc mơ nào.” (Bây giờ mới thấy – Thích Nhất Hạnh)
Trong rất nhiều tựa sách để thức tỉnh nhân loại về giây phút hiện tại, cuốn sách Bây giờ mới thấy là một tác phẩm đặc biệt, nơi thiền sư quán chiếu về thời gian, tình yêu hạnh phúc, xuất phát từ những từ ngữ mà đại thi hào Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều để chỉ thời gian như bao giờ, bây giờ, bấy giờ, bấy lâu, có lúc, có khi, hôm nay, v.v…
“Bạn đừng đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Bạn đừng chờ đợi cái ngày ấy, cái bao giờ ấy. Bạn đừng nói chỉ khi nào, chỉ bao giờ tôi có được cái ấy thì tôi mới có hạnh phúc. Cái ấy là cái gì? Cái ấy là cái danh, cái ấy là cái lợi, cái ấy là cái quyền hành, cái ấy là cái sắc dục. Đừng dại dột nói rằng chỉ khi nào, chỉ bao giờ anh có được những cái ấy thì anh mới thật sự có hạnh phúc. Hãy nhìn quanh. Có bao nhiêu người đang có những cái ấy, thế mà họ vẫn không hạnh phúc. Họ không bao giờ thấy họ có đủ những cái ấy. Bởi vì túi tham không có đáy. Khát nước mà cứ ăn muối thì lại càng khát. Họ không biết được rằng chỉ có cái tri túc mới làm cho ta hết khát và đem lại cho ta hạnh phúc.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng theo quan niệm thông thường, hạnh phúc không được nhận diện trong cái bây giờ. Hạnh phúc phải tìm kiếm trong cái “bao giờ” – trong tương lai, là cái bóng ma không bao giờ thành hiện thực. Không chỉ trong công việc, sự nghiệp như câu chuyện của Soul mà trong tình yêu, hôn nhân, mối quan hệ cũng thế. “Chúng ta có nhau chưa đủ. Chúng ta phải có thêm một cái gì đó nữa, như danh lợi và quyền uy thì mới đủ… Có người nói yêu nhau không phải là ngồi đấy để nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng. Có thật sự như thế không? Nếu cả hai cùng phải nhìn về một hướng, thì hướng ấy là hướng nào? Như vậy có nghĩa là tình của ta chưa đủ làm cho ta có hạnh phúc. Tại sao ta không có quyền ngồi đó để nhìn nhau? Nhìn nhau để thấy được cái mầu nhiệm của nhau, và cũng để thấy được cái mầu nhiệm ấy nơi chính mình, để cho mình biết trân quý nó. Nhìn nhau là để nhận diện được những mầu nhiệm trong cái bây giờ và ở đây…”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh, an trú trong hiện tại, tận hưởng hạnh phúc trong hiện tại không có nghĩa là thiếu trách nhiệm với tương lai, mà điều quan trọng là “đừng đánh mất mình trong sự lo lắng và sợ hãi về tương lai”. Tương lai nằm trong hiện tại, nếu biết xử lý hiện tại với tất cả khả năng của mình, thì có nghĩa là mình đang làm tất cả những gì mình có thể làm cho tương lai rồi. Lo lắng vì những điều chưa tới khiến chúng ta bỏ lỡ hiện tại và dường như không bao giờ cảm thấy hạnh phúc thực sự.
(*) Tựa đề được đặt theo câu nói trong tác phẩm Bây giờ mới thấy của thiền sư Thích Nhất Hạnh
(**) Biên tập từ trích đoạn trong tác phẩm Bây giờ mới thấy của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tác giả: Hướng Dương