Âm nhạc trong trường học Waldorf Steiner

“Em yêu hoa hồng này, yêu hoa thủy tiên này. Em yêu núi đồi này, yêu sao ngọn đồi nhấp nhô, lấp lánh ánh sao trên trời….”. Những đứa trẻ với đôi mắt sáng long lanh cùng làm những động tác theo nhịp bài hát sau giờ shvt ở lớp của tôi. Dường như không còn gì tươi mới và sáng trong hơn không khí trong vòng tròn lúc đó.

Chúng ta đều biết âm nhạc có tác dụng làm xoa dịu tâm hồn của trẻ. Hay theo những nhà nghiên cứu về âm nhạc và giáo dục thì âm nhạc cũng giúp phát triển trí thông minh, khả năng hợp tác, thể hiện cảm xúc, sự sáng tạo và các kỹ năng giao tiếp xã hội. Hay những nhà trị liệu đã nói, Âm nhạc có khả năng trị liệu tuyệt vời.

🌿  ÂM NHẠC TRONG TRƯỜNG HỌC WALDORF STEINER

Chúng ta hẳn đều biết rằng, âm nhạc có thể tác động tới tâm trí của ta, nó có thể xoa dịu, làm lắng lại hay kích thích tâm trí của mình. Trong đời sống hiện nay, trẻ đã phải nhận quá nhiều những thứ gây kích thích (một điều dễ hiểu tại sao số trẻ tăng động giản chú ý/ rối loạn tâm lý…ngày càng tăng cao) như: những âm thanh lớn từ TV, lòa đài từ các cửa hàng, siêu thị,…tấn công tai trẻ, và làm cho trẻ phấn khích, điều này có ảnh hướng không tốt tới trí não và lâu dần làm mất đi khả năng lắng nghe của trẻ. Trên thực tế, trẻ không thích những thứ (bao gồm cả âm thanh; màu sắc; môi trường, bầu không khí…) quá mạnh mà chỉ thích những thứ êm ái, nhẹ nhàng.

Những bài hát trong trường học mà tôi đang làm, là những bài hát có nhịp điệu hài hòa, êm ái. Đó là những ca từ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ để não bộ không bị hưng phấn thái quá mà vẫn vui tươi, trong trẻo, tràn đầy sức sống chứ không hề ảm đạm, buồn chán. Chúng tôi có nhiều bài hát trong ngày vào những thời điểm khác nhau từ các mùa: xuân hạ thu đông; hay buổi sáng, trưa, chiều, đến những giờ hoạt động: giờ ăn, giờ nghỉ, giờ đi công viên, giờ chơi, giờ dọn dẹp, giờ rửa tay…đến những bài hát về thiên nhiên, hoa lá, ong bướm, nắng gió…tạo ra một bầu không khí lành mạnh và nhẹ nhàng cho trẻ.

Ví như: thay vì ra lệnh: “Các con, đến giờ dọn dẹp rồi, mau dọn đồ chơi để chuẩn bị ăn cơm!”. Tôi sẽ tiến tới và dọn dẹp một vài những đồ chơi mà trẻ đã không chơi trước, như một tín hiệu để trẻ biết giờ dọn dẹp sắp tới rồi. Rồi khi cô cất tiếng hát thật nhẹ, thật êm: “Xanh xanh trời cao vút đám mây trôi nhẹ trôi. Xum xuê vòm cây lá chú chim được chở che. Trong veo hồ nước lớn cá kia nhẹ nhàng bơi. Đồ chơi cũng muốn quay trỏe về nhà” là lũ trẻ tự bảo nhau: “đấy, xanh xanh trời cao rồi kia”. Rồi xúm lại cô để được xin cô cho dọn loại đồ chơi nào: H. V. đưa bàn ghế về này, N. đưa gỗ này, M đưa các em búp bê về này, …. (trẻ lớp tôi từ 3,5-5 tuổi). Vậy là cô và các bạn nhỏ cùng nhau dọn dẹp (dĩ nhiên sẽ có những khi/ có những bạn không muốn dọn dẹp và vẫn muốn chơi tiếp, đây lại là 1 chủ đề khác có thể được viết ở post sau^^), vừa dọn vừa có thể ngân ngan những câu hát, vừa hít thở nhẹ nhàng để tâm hồn được hiện diện. Bầu không khí vui vẻ, nhẹ và sáng ấy khác hẳn với những câu ra lệnh mang lại cho cả trẻ và cô sự căng thẳng và áp lực. Xong xuôi, cô lại hát “rửa tay, rửa tay nào mình cùng rửa tay. Xoa trên doa dưới xoa đều đôi bàn tay. Rửa tay, rửa tay nào mình cùng rửa tay. Tay em sạch sẽ hai bàn tay sạch đều”…lũ trẻ chạy ra xếp hàng lần lượt để rửa tay trước giờ ăn. Cứ thế, cứ thế, những giờ chuyển tiếp của chúng tôi rất nhịp nhàng và uyển chuyển. Âm nhạc như một sợi dây, giúp chúng ta chuyển tải thông điệp một cách vô cùng hiệu quả.

🌿  ÂM NHẠC GIÚP PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH

Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kết nối não bộ trẻ em. Khi trẻ lớn hơn, âm nhạc có thể tạo ra một môi trường học tập lành mạnh và giúp trẻ em tiếp thu thông tin hiệu quả hơn. Tuy nhiên nếu bạn muốn con mình thông minh hơn không chỉ đơn thuần là bật nhạc lên cho các bạn nhỏ nghe. Trên thực tế, rất cần có sự tham gia tích cực của những người trông trẻ (gia đình, cô giáo…), đặc biệt khi trẻ còn nhỏ. Hãy hát và ngân nga những câu hát, nó có thể tăng vốn từ vựng của trẻ. Thậm chí bạn hoàn toàn có thể cùng sáng tác các bài hát về các hoạt động hàng ngày của trẻ như thay bỉm, tắm cho trẻ, biến một thanh âm đơn điệu thành một khúc rộn rã. Ở lớp mầm non, chắc chắn sẽ có những lúc cô cần phải “xử lý” tình huống khi một số bạn trọng lớp xảy ra tranh cãi, và bạn có thể tưởng tượng được không, trong lúc những đứa trẻ đang đầy căng thẳng (tùy mức độ mà cô quyết định sẽ làm gì) và một khúc hát ngẫu nhiên/ một lời nói được phổ nhạc mang đạm tính hài hước vang lên, chúng sẽ tròn mắt lên nhìn cô, những đứa khác cũng dừng lại xe chuyện gì xảy ra…và chúng có thể sẽ cùng bạn cười phá lên và quên mất mình vừa mới tranh cãi cái gì. Ở lớp tôi rất thích ngẫu hứng như vậy, dù đôi khi nghe hơi “dở” nhưng tụi nhỏ lại rất thích và thường yêu cầu cô phải hát lại những câu đó và chúng cười ngặt nghẽo ^^. Một số trẻ lớn đôi lúc tôi cũng nghe thấy chúng tự ngẫu hứng một vài câu hát của riêng mình trong những giờ chơi tự do, hay trên xe bus đi dã ngoại.

🌿 ÂM NHẠC GIÚP THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN VÀ KHẢ NĂNG PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG

Về cấu tạo của tai, phần tai trong có 3 phần, phần ốc tai đảm nhiệm việc phát hiện ra sóng âm, cho phép chúng ta nghe. Hai phần còn lại là kênh bán nguyệt và tuyến tiền đình đảm nhiệm về sự cân bằng của cơ thể (cả thân và tâm). Đối với trẻ, khi chúng ta thực hiện các động tác theo nhịp âm thanh, khả năng kết hợp vận động sẽ phát triển tốt hơn (Ngay cả người lớn cũng vậy, nếu khi học múa, ta nắm được nhịp của bài hát thì chúng ta sẽ kết hợp các động tác 1 cách nhịp nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều). Ngày nay một điều rất đáng tiếc là ngày càng nhiều trẻ dành thời gian trước tivi và màn hình máy tính, vậy nên các kỹ năng chuyển động sẽ không có cơ hội phát triển đúng với với sự phát triển của nhận thức. Vậy nên hãy nhún nhảy, xoay vòng, làm động tác, chuyển động vui tươi với những bài hát cùng với con của bạn ngay từ khi còn nhỏ.

🌿  ÂM NHẠC GIÚP XOA DỊU CẢM XÚC, THƯ GIÃN VÀ CHỮA LÀNH

Mọi người hẳn đều có những giây phút xúc cảm dâng trào khi nghe một bản nhạc có ý nghĩa nào đó. Âm nhạc có thể tạo ra một không gian cảm xúc cho trẻ nhỏ. Khi sợ hãi, âm nhạc có thể xoa dịu nỗi sợ hãi đó. Khi căng thẳng, âm nhạc có thể giúp giải tỏa sư căng thẳng cho các em. Có những đứa trẻ khóc lóc khi phải chia tay bố mẹ, hay khi bị đau, …cô ôm con vào lòng, xoa xoa, vỗ vỗ, và ngâm nga bài hát nào đó, giúp cho đứa trẻ an ổn trở lại và tiếp tục tham gia vào các hoạt động sau đó. Trong lớp tôi, có một vài trẻ có những giai đoạn khó ngủ trưa. Ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân bằng cách trao đổi với phụ huynh để điều chỉnh lịch sinh hoạt hằng ngày, tôi nhận thấy thường những lúc đó, trẻ ở trạng thái căng thẳng, không thoải mái với việc ngủ. Và âm nhạc là một liều thuốc ngủ vô cùng êm dịu cho những đứa trẻ như vậy. Cô lại gần, vuốt nhẹ và hát ru khe khẽ, cô cảm nhận được toàn thân em bé thả lỏng ra, thoải mái và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Âm nhạc giúp trẻ thư giãn và cân bằng cảm xúc rất tốt. Như một liều thuốc mà không có tác dụng phụ.

🌿  ÂM NHẠC GIÚP PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG XÃ HỘI

Kỹ năng quan trọng để tương tác với người khác, đó chính là lắng nghe. Bằng cách giúp cho trẻ nhận thức được mối liên hệ giữa âm thanh và cảm xúc trong âm nhạc, trẻ có thể nhận ra được trạng thái cảm xúc của người khác khi nói. Lớp tôi có 1 em bé khá rụt rè, ít nói, và ngại ngùng trước đám đông, sau vài tháng đưa âm nhạc nhiều hơn vào trong lớp, em bé ấy đã có những phát triển tích cực về giao tiếp, “mau miệng” hơn, và tự tin hơn. Em nói nhiều hơn, giao tiếp với các bạn lớp khác nhiều hơn và có thể cầm micro hát một vài bài mà tôi và lũ trẻ cùng hát ở trên lớp trong một vài dịp lễ hội, đó hẳn là một em bé tự tin đấy chứ!

🌿  ÂM NHẠC GIÚP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

“Trước khi đứa trẻ nói, nó đã hát”. Đúng như vậy. Tôi đã làm việc với 2 trường hợp trẻ chậm nói, và nhận ra âm nhạc đã giúp ích rất nhiều cho các em trong việc học nói. Khi còn là một cậu bé rất ít nói, chỉ nói những từ đơn và còn ngọng, nhưng những giờ sinh hoạt vòng tròn, hát kết hợp động tác lại rất thu hút cậu. Tuy mới chỉ nói từ đơn, từ ghép, chưa thành câu, nhưng lại có thể ngân nga và làm động tác theo những câu hát, thậm chí có thể hát theo giai điệu dài. Rồi dần dần, khi cậu nói được cả 1 câu, 2 câu ngắn là khi cậu ấy có thể hát hết cả bài hát. Thậm chí ngồi cạnh cô, còn không cho cô hát kết hợp động tác để cậu ấy “làm” cho cô xem ^^

🌿  ÂM NHẠC GIÚP PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG SÁNG TẠO

Âm nhạc được tìm thấy trong rất nhiều các hoạt động sáng tạo. Có thể kích thích sự sáng tạo của trẻ nhỏ bằng việc hát các bài hát quen thuộc và để trống một vài từ trong lời hát. Các bạn nhỏ sẽ rất vui sướng khi nghĩ ra những từ mới để ghép vào. Hay đôi khi trong những giờ chơi tự do, tôi nghe thấy chúng tự hát những bài hát tên nhau: “Đố bạn biết nhà của Th., ở đâu? Tôi trả lời nhà của Th. ở…(Hà Đông)……”

Âm nhạc là một thứ thật kì diệu, nó có thể dệt nên một tâm hồn đẹp, có thể nâng cả bầu không khí lên thật nhẹ và sáng. Hãy để cho âm nhạc tuôn chảy trong mỗi chúng ta, tỏa tràn ra bầu không khí và chảy qua những người xung quanh.

~ Cô Bùi Thanh Dung, giáo viên Mầm non Koi Steiner.

 

🌱  Mầm non Koi Steiner xin giới thiệu các bài hát nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, do các thầy cô Koi sáng tác và sưu tầm. Mời bạn xem thêm tại kênh Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=E1H2VQbkuSo&list=PLVW8clEnWp3uBbeeVZiDWnyBVqht8H9Tr
🌱  Tổng hợp lời của các bài hát nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Mời bạn xem thêm tại fanpage Mầm non Koi Steiner: https://www.facebook.com/media/set/?vanity=mamnonkoisteiner&set=a.765027162312198