Giáo viên, bố mẹ không nên cứng nhắc tuân theo một danh mục do ai đó đã lựa chọn và khuyên dùng cho trẻ độ tuổi này hay độ tuổi khác, mà mỗi chúng ta khi làm việc với con trẻ cần phát triển bản thân để nắm bắt và sống với các nguyên lý cốt lõi, quan sát trẻ và thấu hiểu sự phát triển của trẻ dể tự mình thấy ra một câu chuyện sẽ phù hợp với độ tuổi nào, phù hợp với trẻ nào.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN NHƯ:
– Độ ngắn dài :
Sự phát triển của trẻ giai đoạn 0-7 chia làm 3 giai đoạn cơ bản : 0-3, 3-5, 5+ tuổi. Mỗi giai đoạn phát triển độ dài của chuyện kể sẽ nhỉnh hơn giai đoạn trước đó.
– Giáo viên có thể quan sát trẻ về quãng thời gian trẻ lắng nghe mà không mệt, thường với trẻ 1-3 tuổi các câu chuyện không nên kéo dài quá 3 phút, với trẻ 3-5 tuổi có thể lên đến 7-8 phút, trẻ 5-7 tuổi có thể lên tới 15 phút. Các con số và quãng thời gian này là gợi ý, và một mẫu chung, giáo viên và bố mẹ càn quan sát mỗi trẻ, mỗi nhóm trẻ để tự có con số tương đối của nhóm mình.
– Tình tiết, kết cấu chuyện :
Trẻ càng nhỏ câu chuyện càng cần ít tình tiết. Trẻ dưới 3 tuổi câu chuyện chưa có các tình tiết gay cấn, ít tình tiết. Trẻ khoảng 5 tuổi bắt đầu có một vài tình tiết thắt mở, chỉ đến khi trẻ sang 7 tuổi các câu chuyện mới nên có tình tiết kịch tính.
– Thể loại câu chuyện :
Trẻ mầm non phù hợp với các câu chuyện về thiên nhiên, chuyện cổ tích mà chưa phù hợp với các câu chuyệnt hần thoại hay sáng thể, hay các câu chuyện kịch tính. Độ tuổi dưới 3 trẻ nên được nghe nhiều các câu chuyện thiên nhiên, nếu có kể chuyện cổ tích thì cần phải là những câu chuyện rất ngắn, rất ít tình tiết ; trên 3 tuổi mới nên kể cho trẻ nhiều các câu chuyện cổ tích.
Việc kể chuyện như thế nào vô cùng quan trọng với độ tuổi mầm non. Thông thường, chúng ta quen với các hình ảnh hoạt hình, các hình thức “diễn” khi kể chuyện, tức là làm cho câu chuyện trở nên thật cụ thể, giọng kể trở nên thật diễn cảm, ra đúng được nhân vật ác thì giọng ác, nhân vật thiện thì giọng thiện. Và thêm nữa, khi kể chuyện cho trẻ, người lớn rất thường xuyên đưa vào các lời răn dạy giáo điều. Tất cả những điều này làm giảm giá trị của việc kể chuyện.
~ Trích trong Sổ tay Học viên Kì II, Khoá đào tạo Giáo viên mầm non Steiner “9 tháng 10 ngày” của Hanoi Steiner