Tại trường Mầm non Koi Steiner, quận Cầu Giấy, giáo viên được đào tạo và thành thạo phương pháp kể chuyện nuôi dưỡng tâm hồn. Cô Lã Thị Kim Oanh, 32 tuổi, cho biết cách giảng dạy này thuộc triết lý giáo dục Waldorf Steiner, nhà giáo dục người Áo, gồm nhiều hình thức như: Rối dây, rối bàn, rối bóng hoặc ứng tác…
Đối với trẻ 0-3 tuổi, truyện được chọn cần ít tình tiết phức tạp, khoảng 3-5 nhân vật và kéo dài không quá 10 phút. Truyện cho trẻ 4-6 tuổi có thể phức tạp hơn một chút. Cô Oanh giải thích, khả năng tư duy và phân tích thông tin của trẻ mầm non chưa nhiều và sâu nên chỉ có thể hiểu truyện đơn giản. Những tình tiết giật gân, gây kích động có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Bố mẹ chỉ nên chọn truyện ngắn, vui vẻ, nhẹ nhàng và kể cho trẻ nghe trước khi đi ngủ.
Các câu chuyện thường mang tính gợi mở và tượng trưng cao. Giáo viên sẽ tạo ra không gian cổ tích, huyền ảo bằng cách tắt đèn, chỉ để lại lượng ánh sáng vừa phải, nhẹ nhàng để thu hút sự chú ý của trẻ. Sau đó, người kể sẽ chơi đàn lyre và cất tiếng hát, đưa cả lớp vào không gian tĩnh lặng, thắp nến và bắt đầu kể chuyện. “Làm như vậy, trẻ sẽ hoàn toàn tập trung vào câu chuyện một cách tự nhiên mà không cần bất cứ mệnh lệnh nào”, cô Oanh nói.
Điểm nhấn trong phương pháp kể chuyện nuôi dưỡng tâm hồn là sử dụng những con rối không có nét mặt, đều do thầy cô tự làm bằng vật liệu thủ công. “Nhiều người cho rằng một con rối không nét mặt trông có phần kỳ quái, nhưng đó là do người lớn có định kiến búp bê phải có gương mặt, chi tiết rõ ràng”, cô Oanh nói.
Với trẻ em, búp bê không có nét mặt rõ ràng, tạo hình đơn giản đóng vai trò gợi mở, kích thích sự tưởng tượng về biểu cảm, độ tuổi, tính cách… của nhân vật trong truyện. Thậm chí, những nhân vật này không nhất thiết phải có tạo hình như thực mà được tượng trưng bằng khúc cây, một chiếc thìa hay củ tỏi.
Trong câu chuyện, rối được đặt trên những chiếc bàn phủ vải lụa, bông lông cừu hoặc bày trí các chi tiết từ gỗ, cây cối thật và sỏi đá. Tại trường, đa số vật dụng trang trí bàn rối được giáo viên tự làm hoặc tìm thấy ngoài thiên nhiên. Giáo viên sẽ di chuyển rối nhẹ nhàng, chỉ mang tính chất tạo cảm giác về hành động, nhường phần lớn sự tưởng tượng cho trẻ.
Cô giáo 5 năm kinh nghiệm với phương pháp Steiner chia sẻ điều khiến bản thân thích thú nhất là cách điều tiết giọng nói khi kể chuyện. Trước kia, cô thường kể chuyện cho trẻ với giọng trầm bổng, diễn cảm hết mức có thể. Tuy nhiên, từ khi tiếp cận với Steiner, cô được dạy cách giữ giọng luôn ở mức nhẹ nhàng, vừa phải, không quá cao hay quá thấp, ngay cả khi hóa thân vào những nhân vật phản diện.
Lý giải điều này, cô Oanh chia sẻ vì muốn hướng đến ý nghĩa cốt lõi là giữ lại không gian cho trẻ tự sáng tạo, lời kể chỉ đóng vai trò gợi mở, còn cảm xúc nhân vật, mức cao trào của tình tiết truyện sẽ do trẻ tự cảm nhận.
Ngoài ra, âm nhạc cũng được các thầy cô chú trọng khi kể chuyện cho trẻ. Ngoài tiếng đàn, lời hát ở phần đầu và cuối câu chuyện, giáo viên cũng đan xen những câu hát. Việc này khiến truyện bay bổng, đồng thời giúp trẻ tưởng tượng tốt hơn.
Thông thường, trẻ sẽ được nghe mỗi truyện ít nhất ba tuần, hàng ngày kể một lần vào giờ cố định. Nhiều em thuộc làu, về nhà thường xuyên kể cho bố mẹ nghe bằng cách dùng những đồ vật sẵn có để thay cho rối. Cô Oanh kể, có học sinh còn dùng ôtô đồ chơi để làm nhân vật Tích Chu trong truyện cùng tên, diễn lại cho cả nhà xem. Đôi khi, các em phân vai và diễn lại truyện ngay tại lớp, sáng tạo thêm các tình tiết và tận dụng vải, lụa, đồ chơi để tạo bối cảnh.
Cô giáo chia sẻ, khác với cách nghe truyện của người lớn, trẻ tận hưởng và khám phá thế giới của câu chuyện qua mỗi lần kể lặp lại. Mỗi lần nghe, trẻ lại tưởng tượng thêm, hình dung rõ nét các hình ảnh và xâu chuỗi, suy luận thêm về các tình tiết. Từ đó, trẻ sẽ phát triển trí tuệ ngôn ngữ, khả năng liên kết, tưởng tượng và sáng tạo một cách tự nhiên.
Tác giả: Thanh Hằng – Báo VnExpress
Nguồn bài viết gốc: https://vnexpress.net/cach-ke-chuyen-giup-tre-phat-huy-tri-tuong-tuong-4246588.html