Nuôi dạy trẻ 0-7: Phát triển ngôn ngữ và Kỷ luật tự thân

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”, hay như câu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo khắp các trường lớp từ nhỏ đến lớn, đủ để ta thấy tầm quan trọng của việc học lễ nghĩa hình thành nên con người trẻ sau này. 

Sau buổi thứ nhất trong chuỗi hội thảo Nuôi con đúng và nhàn về cách cho trẻ ăn và ngủ đúng, cô Dung tiếp tục chia sẻ tới cho bố mẹ, thầy cô trong buổi thứ hai về việc học nói và tính kỷ luật tự thân của trẻ. 

Tại Việt Nam và nhiều nước phát triển, có một tình trạng khá phổ biến là các em bé bị chậm nói, nói to hoặc nói nhanh, đặc biệt là các bé còn rất nhỏ nhưng đã nói trống không, nói bậy, gặp người lớn không chào hỏi, hay không tự tin khi giao tiếp bằng mắt với người đối diện. Những thói quen trong việc học nói ở trẻ như vậy sẽ khiến các em khó biểu đạt trong việc hiểu và giao tiếp, cản trở việc khám phá thế giới xung quanh của trẻ sau này.

Tình trạng trẻ chậm nói, nói không đúng diễn ra khá phổ biến

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ngoài mặt y khoa bao gồm gen di truyền hay bệnh lý não bộ thì phần lớn là do môi trường sống của trẻ.

Vậy môi trường có tác động lớn thế nào đến phát triển việc học nói ở trẻ?

Như đã nói trong buổi chia sẻ thứ nhất, khi trẻ còn nhỏ (giai đoạn từ 0 – 3 tuổi) chưa phát triển về mặt ý thức, trẻ sẽ học (bắt chước) mọi thứ bằng cả cơ thể với những giác quan vô cùng tinh nhạy. Trong việc học nói, trẻ sẽ bắt đầu từ những âm thanh, từ ngữ mà chúng nghe được. Các giác quan của trẻ tinh nhạy đến mức nghe và bắt chước được những rung động bên trong của âm thanh đó. Theo nghiên cứu về quá trình nghe được âm thanh của người, trong khi người lớn cần phải yên lặng, cân bằng để nghe được âm thanh thì trẻ con vẫn có thể nghe rõ những chuyển động âm thanh xung quanh mình khi đang vận động. 

Nghe tốt thì sẽ nói tốt, và việc được vận động cũng là một yếu tố quan trọng để giúp trẻ nghe tốt hơn. Theo cô Dung quan sát, có đến 90% trẻ bị chậm nói hoặc giao tiếp kém là do ít vận động từ nhỏ, thường xuyên ngồi lì một chỗ xem tivi, màn hình điện tử cả ngày. Điều này vừa có hại cho mắt của trẻ, vừa khiến trẻ trông thiếu sức sống hơn. Ngoài ra có một số yếu tố giải thích cho việc trẻ có nghe tốt hay không được cô Dung nhắc đến như: 

  • Nguồn âm thanh: từ giao tiếp hai chiều có sự tương tác giữa người với người hay từ máy móc thiết bị – tương tác một chiều không có sự phản hồi. Hai nguồn âm thanh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe và nói của trẻ.
  • Chất liệu: Chọn chất liệu âm thanh thật (từ con người) hay giả (từ máy móc), và phong cách của âm thanh đó (lịch lãm hay thô thiển, dễ chịu hay sôi động,…)
  • Sự kết nối, hiện diện của người lớn với trẻ: Sự hiện diện không có hiệu quả, không giúp nuôi dưỡng trẻ là cho dù bố mẹ có ngồi trước mặt trẻ, nhưng tay cầm điện thoại và mắt chẳng để ý con, chỉ hỏi cho có lệ “Hôm nay con thế nào?” Sự hiện diện và kết nối thực sự là khi bố mẹ đặt tâm, trí dõi theo con, dù không nói nhưng con vẫn có thể cảm nhận được.

Cô Dung nhấn mạnh rằng nhịp sống là một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến việc học nói của trẻ. Trẻ đang sống trong môi trường hối hả, sinh hoạt trong nhà lúc nào cũng nhanh chóng hay đời sống nhịp nhàng, tận hưởng đủ thời gian, điều đó sẽ bộc lộ ngay qua lời ăn tiếng nói của trẻ. “Bản chất của trẻ em là một tờ giấy trắng tinh thơm, không có vấn đề gì về việc phát triển. Vấn đề thường nằm ở người lớn. Khi chúng ta điều chỉnh và thay đổi thì trẻ cũng sẽ tự điều chỉnh theo” – Cô Dung chia sẻ.

Vậy thì chúng ta – người lớn làm gì để giúp trẻ phát triển việc học ngôn ngữ?

Một số gợi ý của cô Dung cho bố mẹ và thầy cô như sau:

  • Luôn hiện diện thật sự cùng trẻ, lắng nghe và quan sát sẽ giúp nuôi dưỡng các giác quan của trẻ tốt hơn.
  • Bố mẹ và thầy cô hãy luôn giao tiếp bằng mắt với trẻ, có thể ngồi xuống để ánh mắt giao tiếp được đối diện nhau, giúp trẻ có cảm giác được tôn trọng và gần gũi, ấm áp.
  • Đưa những bài thơ, câu chuyện, bài hát và vận động phù hợp vào cuộc sống thường ngày của trẻ.

    Những giờ kể chuyện, ăn cơm cùng nhau ở Koi

Quan trọng nhất, thay vì sửa trẻ, chúng ta hãy sửa mình trước. Trẻ sẽ chưa thể hiểu hết những gì chúng ta nói và giải thích, nhưng trẻ sẽ lấy chúng ta làm hình mẫu và bắt chước theo. Việc mỗi bố mẹ cần làm, chính là trở thành hình mẫu mà mình muốn nuôi dưỡng cho con trở thành sau này. Muốn dạy trẻ nói tốt, nói hay, lịch lãm, thì bố mẹ hãy học cách để làm điều đó trước.

Tiếp tục chia sẻ về chủ đề kỷ luật tự thân, cô Dung giải thích cụm từ này nghĩa là kỷ luật tự bên trong bản thân mình nhận thấy và muốn làm điều đó, kỷ luật tự thân hướng tới mục đích điều chỉnh hành vi cho trẻ sao cho đúng. Trong giáo dục Steiner, các em bé được chơi tự do và khuyến khích chơi tự do. Tự do ở đây không phải sự vô lối, mà là tự do trong khuôn khổ. Trong giờ chơi tự do, tất cả những đồ chơi trong tầm với đều được các em bé ở Mầm non Koi mang ra sử dụng và chơi. Nhưng khi hết giờ. tất cả mọi thứ sẽ được các em sắp xếp gọn gàng về nguyên vị trí, ngôi nhà của nó.

Giờ chơi tự do của trẻ ở Mầm non Koi Steiner

Trẻ sẽ cảm thấy an toàn khi biết được mọi thứ đều có trật tự và trình tự. Trẻ ít có nhu cầu về sự bất ngờ và quen với cảm giác quen thuộc mình đã có. Điều này cũng giải thích cho chúng ta biết tại sao nhịp điệu lại quan trọng đến vậy trong đời sống của trẻ. Việc xây dựng một nhịp điệu sinh hoạt trình tự và vững chắc sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và tự do phát triển các giác quan thông qua khám phá thế giới. 

Làm thế nào để phát huy hiệu quả của việc kỷ luật tự thân?

Như cô Dung đã chia sẻ bên trên, việc đầu tiên bố mẹ cần làm chính là nhìn lại bản thân mình. Khi bố mẹ hiểu mình, hiểu về tính cách và cảm nhận được nhịp sống của mình, đồng thời hiểu trẻ, các giai đoạn phát triển của trẻ thì việc xây dựng một nhịp điệu sinh hoạt lành mạnh cho trẻ sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, bố mẹ cần nhất quán tư tưởng trong việc nuôi dạy trẻ, tránh nhịp điệu của trẻ bị xáo động hay thay đổi bất ngờ.

Các em bé lớp lớn ở Koi tự chuẩn bị đồ ăn

 

Việc đưa ra những ranh giới rõ ràng, nghiêm ngắn cũng sẽ góp phần tạo cho trẻ một nhịp điệu vững chắc. Đối với những ranh giới này, bố mẹ không nên gay gắt hay cứng nhắc ép buộc con làm theo ngay mà cần đồng cảm với trẻ, tìm hiểu nguyên nhân và dần dần điều chỉnh hành vi của trẻ.

Trong buổi tiếp theo của chuỗi hội thảo Nuôi dạy con đúng và nhàn, cô Hương sẽ cùng tìm hiểu với thầy cô và bố mẹ về chủ đề “Giáo dục mầm non Steiner: đặc biệt dành cho giáo viên, quản lý trường mầm non và các bố mẹ yêu thích giáo dục Steiner” vào thứ Ba ngày 8/6/2021, lúc 5h30 sáng.

Mời thầy cô và bố mẹ quan xem thêm thông tin và đăng ký tham gia tại: https://hanoisteiner.edu.vn/6-buoi-online-nuoi-day-tre-mam-non/

Thầy cô Mầm non Steiner luôn sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp các câu hỏi, trao đổi về giáo dục mầm non nói chung và giáo dục theo phương pháp Steiner nói riêng tại email [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!